Hà NộiLần thứ 5 bị đứt mắc cài sau 2 tháng niềng răng, kèm “combo” hóp má, hóp thái dương, sụt cân khiến Linh, 27 tuổi, chán nản, nói đây là “kiếp nạn”.
Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ cho biết tình trạng răng của Linh, ở quận Đống Đa, khá phức tạp, khớp cắn lệch, không đều, hàm trên có hai răng khểnh nhấp nhô, răng cửa bị cụp vào bên trong. “Có người khen răng khểnh là duyên, có người lại nói mặt chữ điền”, Linh nói, thêm rằng luôn tự ti, không dám cười tươi.
Bác sĩ đánh giá hiệu quả chỉ từ 70 đến 80 %, giúp giải quyết tình trạng khớp cắn lệch, hai răng cửa không bị tụt vào, cải thiện việc ăn nhai và vệ sinh răng miệng dễ hơn. Cô gái chọn niềng máng trong suốt để thẩm mỹ, thời gian ba năm.
Ngày đầu tiên, Linh phải nhổ hai răng ở hàm trên, cũng là nỗi sợ lớn nhất. Nhiều người cho rằng nhổ răng gây “giảm tuổi thọ”, “đãng trí”, “não cá vàng” và ảnh hưởng đến thần kinh. Bác sĩ kê thuốc giảm đau, uống cách 4 tiếng nhưng nữ nhân viên truyền thông không dám uống nhiều, sợ ảnh hưởng gan.
Sau khi đeo dây siết, dây chằng quanh răng được giãn ra và răng bắt đầu quá trình dịch chuyển gây đau nhức, ê ẩm. Từ 10-12 ngày, cô sẽ thay khay niềng mới, phải siết lại từ đầu. Sau hai tuần, Linh thấy má bắt đầu hóp, “nhìn như già đi vài tuổi”.
Khó khăn khác là vệ sinh. Linh mua một bộ dụng cụ để vệ sinh gồm hộp ngâm khay niềng, đầu xịt tăm nước, khay niềng và hộp đựng, viên ngâm khay niềng. Một túi đựng khay niềng chia theo thời gian đeo từng khay, kem đánh răng, tăm nước. Khi ra ngoài, cô phải mang theo tất cả để vệ sinh răng miệng.
“Nếu không vệ sinh sạch, thức ăn bám vào gây hôi miệng, sâu răng”, cô nói.
Lê Hải Dương, 23 tuổi, ở Cầu Giấy, cũng liên tục đau nhức răng, mất mắc cài, hóp má, hóp thái dương sau niềng răng. “Như biến thành người khác”, cô nói.
Dương nói gặp nhiều khó khăn về vệ sinh răng miệng, không nhai được đồ cứng, dai, phải cắt đồ ăn và hay mắc thức ăn vào răng. Trong vòng hai năm, cô phải duy trì thói quen đánh răng mỗi ngày ba đến bốn lần, mỗi lần kéo dài từ 20 đến 25 phút. Khi đi ăn ngoài, cô luôn phải mang theo đồ vệ sinh răng miệng.
Dương phải đeo chun để siết răng đúng khuôn. Có lần, cô lỡ cắn phải hạt cứng, làm bung mắc cài và trôi cả dây chun, chọc vào má chảy máu. Cô bị hóp thái dương trong khoảng một năm, không có cách cải thiện. Khi niềng, răng bị vàng và xỉn màu hơn, rất khó chăm sóc.
“Mình đành phải nghĩ đến lúc mình đẹp hơn, xinh hơn, răng khỏe hơn để làm động lực”, cô nói.
Bác sĩ Hứa Thị Xuân, Phòng khám Nha khoa Win Smile, cho biết niềng răng là một quá trình kéo dài nhiều năm. Người niềng có thể gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt như việc ăn uống phải chú ý hơn, cắt nhỏ thực phẩm hoặc hạn chế những đồ dai cứng. Việc nói hay phát âm cũng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian đầu, vệ sinh răng miệng lâu hơn vì mang nhiều dụng cụ.
Khi niềng, đa số bị hóp má, hóp thái dương,… Nguyên nhân là đeo các khí cụ gây vướng cộm hoặc khó khăn trong việc ăn uống gây lười nhai, ít hoạt động cơ hàm, khiến nhóm cơ này bị chùng xuống, mềm đi và không còn săn chắc. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, stress, lo âu quá mức cũng làm cho hóp má, thái dương, vệ sinh răng miệng cũng phức tạp và khó khăn hơn.
“Do đó, bạn nên ăn nhai hoạt động cơ hàm bình thường, có chế độ dinh dưỡng thích hợp, giữ tinh thần thoải mái và thăm khám định kì theo chỉ định”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Khiếu Thanh Tùng, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết niềng răng giúp cải thiện về mặt thẩm mỹ và khớp cắn, “trường hợp sai lệch khớp cắn nhiều phải kết hợp thêm phẫu thuật chỉnh hình xương”. Do đó, niềng không phải là phép màu và khó khăn như đau, nhổ răng, hóp mặt… là điều khó tránh khỏi.
Hiện, số người niềng răng tăng lên. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều có giới hạn điều chỉnh răng nhất định và không thể áp dụng quy chuẩn một cách cứng nhắc. Chưa kể, nhiều trường hợp phải niềng răng nhiều lần làm tăng thời gian đeo niềng và tăng khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, ảnh hưởng cả tâm lý.
Do đó, trước khi niềng, mọi người nên lắng nghe tình trạng sức khỏe bản thân, dành thời gian tìm hiểu kỹ về các phương pháp, tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ để giảm bớt khó khăn và lo lắng.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn phương pháp niềng răng phù hợp với tình trạng răng, lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín. Tuân thủ quy trình và lộ trình niềng răng, tái khám định kỳ theo lịch hẹn. Chăm sóc răng miệng cẩn thận. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và ăn uống đúng cách.
Trước khi niềng răng, bạn cần giữ sức khỏe tốt và ổn định, tâm lý thoải mái. Bạn cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vệ sinh răng miệng khi niềng và chuẩn bị một số dụng cụ hỗ trợ cho việc vệ sinh răng miệng.
Không tự ý mua miếng niềng và tự ý niềng răng tại nhà, gây khó ăn nhai hơn, răng di chuyển sai, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Thùy An
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://suckhoedoisong365.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!