Suy thận giai đoạn cuối phải lọc thận theo chu kỳ 3 lần mỗi tuần, cô gái 26 tuổi ở Tuyên Quang vừa được mẹ hiến tặng một quả thận để ghép.
Bệnh nhân được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022, chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Bác sĩ cho biết ghép thận là cách duy nhất cứu bệnh nhân.
Người có thận phù hợp để hiến là mẹ ruột. Song, người mẹ cao tuổi và thể trạng nhỏ hơn so với con gái nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng. Để ca ghép thành công, bệnh viện chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng các kịch bản có thể xảy ra sau ghép. May mắn, sau ca ghép vào giữa tháng 9, sức khỏe cả hai mẹ con hoàn toàn ổn định. Người mẹ xuất viện sau mổ một tuần. Còn bệnh nhân hòa hợp với quả thận mới, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường và tiếp tục điều trị duy trì sau ghép, tái khám định kỳ.
Đây là ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – giúp bệnh viện ghi tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật này nhờ hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Ca ghép thứ hai là một bệnh nhân nam 19 tuổi, ở Thanh Hóa, suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, người hiến thận cũng là mẹ. Ca ghép diễn ra vào tháng 9, sức khỏe của cả hai đều tiến triển tốt.
TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu, cho biết bệnh nhân suy thận để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày phải đến bệnh viện lọc máu một lần. Hiện tại, khoa có gần 170 bệnh nhân, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém.
“Lọc máu thường xuyên, người bệnh cũng chỉ làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân nên ghép thận giúp họ có cơ hội sống khỏe mạnh hơn”, bác sĩ Tuyên nói.
Ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả, chất lượng cao, chi phí thấp so với các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng cho người suy thận mạn giai đoạn cuối.Thống kê tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ sống sau ghép 5 năm đạt trên 98,9%, còn 10 năm là 95,7%.
Tính đến đầu 2024, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước thực hiện được hơn 8.000 ca ghép. Hiện, 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Cả nước có 26 trung tâm ghép tạng.
Lê Nga
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://suckhoedoisong365.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!